Hoa cánh bướm – Loài hoa mang ý nghĩa về sự bình yên và nhẹ nhàng
Hoa cánh bướm là cái tên không mấy xa lạ trong đời sống và được trồng khá rộng rãi trên khắp đất nước ta. Bài viết dưới đây Elmich Việt Nam sẽ bật mí cho quý độc giả thông tin chi tiết hơn về loài hoa này cũng như cách chăm hoa cánh bướm đơn giản tại nhà. Nếu bạn yêu thích hoa cảnh đừng bỏ lỡ bài viết này. Bỏ túi ngay tips chăm sóc để tô điểm cho không gian vườn nhà bạn thêm sống động nhé!
Nội dung bài viết
1. Giới thiệu về hoa cánh bướm
1.1. Tìm hiểu về hoa cánh bướm
Hoa cánh bướm có tên khoa học là Cosmos, thuộc bộ chi cúc chuồn. Loài hoa này khá phổ biến và thường thấy xuất hiện tại các vườn hoa gia đình, công viên ở Việt Nam. Hoa có tên xưa dân gian thường gọi là sao nhái, rất được ưa chuộng vì dễ trồng và chăm sóc. Cánh bướm khi nở rực rỡ cả một vùng trời, lại dễ sống và có khả năng sống trong môi trường khắc nghiệt.
Đúng với tên gọi của mình, những cánh hoa cúc bướm mềm mại mong manh hệt như những cánh bướm với đầy đủ sắc màu. Dưới ánh nắng nhè nhẹ, chỉ cần một cơn gió thoảng qua, hàng trăm cánh hoa lay động trông như những đàn bướm đang bay dập dìu.
1.2. Các đặc điểm của hoa cúc bướm
Cúc bướm là loài thân thảo, có chiều cao tầm trung khoảng 30 – 40 cm. Lá cây khá nhỏ và có màu xanh lục. Lá có hình bầu phía đuôi và kéo dài về phía đầu lá hơi nhọn, viền lá có răng cưa nhỏ và thưa. Bông hoa thường có 5 – 8 cánh, cánh hoa mỏng và khá mảnh có hình dạng giống như cánh bướm. Hoa bướm thuộc họ hoa cúc nên có đặc điểm bông mọc thành cụm với các cánh hoa xếp đan xen.
Chúng ta có thể thấy rõ cúc bướm có hai tầng cánh hoa. Phía ngoài sẽ là lớp cánh hoa to hơn, mọc dài hơn bảo vệ lớp cánh hoa bên trong. Tiếp đến là phần nhụy hoa vàng được bảo vệ bởi hai tầng cánh hoa. Lớp cánh hoa thứ hai sẽ mọc thẳng hơn để có thể ôm phần nhụy hoa ở giữa với nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp phần nhụy.
Hoa cánh bướm có đa dạng màu sắc như: đỏ, hồng, trắng, vàng, tím,… Một trong những đặc điểm của cúc bướm được người trồng yêu thích chính là mang lại màu sắc tươi sáng, bắt mắt cho khu vườn. Hoa mang lại sự tươi tắn và sức sống mạnh mẽ cũng như vẻ đẹp tinh khôi, thu hút mọi ánh nhìn.
2. Ý nghĩa của loài hoa cánh bướm
2.1. Ý nghĩa chung
Với vẻ ngoài mềm mại, mỏng manh hoa cánh bướm mang lại ý nghĩa về sự bình yên, an yên, nhẹ nhàng trong cuộc sống. Vẻ đẹp tinh tế của hoa tạo ra không gian yên tĩnh, bình an, giúp con người thư giãn. Ngoài ra cánh bướm còn tượng trưng cho những mối tình êm đềm, dịu dàng, giản đơn, chân thật nhưng đằm thắm, hết lòng với nhau.
2.2. Ý nghĩa dựa trên màu sắc
Với mỗi màu sắc của hoa còn có ý nghĩa riêng biệt. Ví dụ như: hoa màu vàng thể hiện sự năng động, tích cực, lạc quan yêu đời. Cánh bướm trắng đại diện cho sự trong sáng, tinh khôi của người con gái, với một tình yêu giản dị, chân thành. Cúc bướm đỏ mang lại sự may mắn, những điều tốt lành cho người trồng hay người được tặng,… Bạn có thể lựa chọn màu hoa đem trồng dựa trên ý nghĩa từng màu sắc sao cho phù hợp nhu cầu bản thân nhất.
3. Trồng hoa cánh bướm như thế nào và cần lưu ý điều gì?
3.1. Thời điểm trồng
Cây hoa cánh chuồn thường được gieo từ hạt và có thể thực hiện trồng quanh năm. Hạt giống cánh bướm có thời gian nảy mầm trong khoảng 1 tháng, thời gian hoa nở sau khi ươm mầm khoảng 2 tháng.
Vì vậy, trước khi gieo mầm để trồng bạn nên ước chừng thời gian trước sao cho phù hợp nhất. Ví dụ để kịp hoa nở đúng dịp Tết âm lịch người trồng nên gieo mầm trong khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch.
3.2. Cách trồng
Vì hạt giống hoa cúc bướm khá nhỏ nên bạn có thể lựa chọn cách trồng trong khay trước, sau khi lên cây con sẽ mang ra luống đất để trồng. Phương pháp này đảm bảo hiệu quả khi ươm mầm không bị quá dày, hạn chế cây con mọc chồng chéo cản trở sự phát triển của nhau.
3.3. Cách chọn đất trồng phù hợp
Lựa chọn loại đất nhiều dinh dưỡng, nhiều mùn, có thể sử dụng thêm xơ dừa tăng độ xốp cho đất sẽ giúp cây phát triển nhanh hơn. Hoặc sử dụng phân bón để giúp đất giàu dinh dưỡng hơn, ví dụ trước khi trồng có thể trộn thêm phân hữu cơ, phân động vật như bò, dê,…
3.4. Cách chăm sóc và một số lưu ý
- Sau khi gieo hạt có thể phủ 1 lớp rơm rạ mục giúp mặt luống được bảo vệ khi tưới nước. Lưu ý không nên tưới nước quá nhiều vì cánh bướm là giống không ưa nhiều nước. Người trồng chỉ cần đảm bảo đất luôn duy trì đủ ẩm để tạo điều kiện cho hạt nảy mầm.
- Sau 1 thời gian hạt bắt đầu lên mầm, bạn cần bỏ lớp rơm rẻ che phủ trên mặt luống và mang ra vườn để trồng cho cây có không gian sinh trưởng. Tiếp tục chăm sóc và tưới nước vừa đủ hàng ngày cho cây phát triển. Khi cây đã lớn hãy giảm thời gian tưới chỉ cần 3 lần/tuần là vừa đủ đáp ứng nhu cầu của cây.
- Thời điểm bón phân: Có hai mốc thời gian quan trọng người trồng cần lưu ý bón phân cho cây hoa cánh bướm đó là: khi mới trồng và khi hạt giống đã lên mầm.
- Để có thể kéo dài thời gian ra hoa hãy thường xuyên để ý cắt tỉa những bông hoa, cành lá đã úa tàn, héo úa hạn chế việc lụn héo lây lan sang hoa khác.
- Để giúp hoa có sự phát triển tốt nhất bạn nên lưu ý thường xuyên nhổ cây cỏ dại mọc xung quanh gốc cây để đảm bảo sự tăng trưởng của cây không bị cản trở.
- Cây cánh bướm có một nhược điểm đó là thân cây mảnh yếu rất dễ bị ngã khi có tác động của gió. Vì thế người trồng cần chú ý bảo vệ bằng cách dựng cọc rào xung quanh tránh khỏi gió mạnh xô đổ các bụi hoa.
3.5. Lựa chọn nơi trồng
Cúc bướm rất ưa thích những nơi có ánh sáng và không gian thoáng. Vì vậy người trồng có thể chọn những địa điểm nhiều ánh sáng, thông thoáng. Nhưng lưu ý không nên trồng đối diện trực tiếp với mặt trời để tránh tiếp xúc ánh nắng trong thời gian dài cây sẽ dễ bị héo khô.
3.6. Cách lấy hạt giống và bảo quản hạt giống
Lựa chọn cây làm giống nên chọn loại cây phát triển khỏe, có màu sắc đẹp. Khi cây ra quả chín, hái chọn những quả già chắc nhất và mang đi phơi cả quả. Sau khi phơi đủ thời gian quả đã khô hẳn, chúng ta đập lấy hạt trong quả, đó chính là những hạt giống của hoa. Bước cuối cùng bạn cần sàng qua để lựa những hạt chắc và to nhất rồi phơi khô bảo quản.
Lưu ý khi phơi hạt giống hoa cúc bướm nên phơi dưới thời tiết nắng nhẹ hoặc có bóng râm. Trước khi bảo quản hạt giống phải để chúng nguội hẳn rồi mới cất ở nơi thoáng mát. Bạn có thể đựng trong túi bóng hoặc bình đậy nắp kín.
3.7. Cách cấy ghép hoa cánh bướm đạt hiệu quả
Bạn cần theo dõi khi cây con hoa cánh bướm đạt chiều cao khoảng 5 cm, trên cây đã mọc ra tầm 5 đến 6 lá. Lúc này chính là thời điểm phù hợp có thể cấy ghép cây con mang ra vườn trồng theo luống hoặc cho từng cây con trồng vào chậu.
3.8. Mật độ gieo trồng hạt giống phù hợp
Lưu ý: không nên gieo hạt giống cây cúc bướm với mật độ quá dày, mật độ trồng phù hợp là khoảng 30×40 cm. Vì sau khi cây lớn dần, chúng cần có khoảng cách để phát triển tán lá và nở hoa.
Hy vọng qua bài viết chi tiết trên của Elmich sẽ giúp nhiều người hiểu cũng như yêu thích và muốn trồng loại hoa này thành công. Bài viết về cách trồng và chăm sóc hạt giống hoa cánh bướm khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Chúc các bạn vui vẻ!